Nghệ thuật thúc đẩy năng lượng cho đội nhóm
Ngày đăng: 23/10/2021
Tạo động lực là tạo nên một nguồn năng lượng dồi dào giúp nhân viên phát huy được tối đa hiệu quả công việc của mình. Đây cũng chính là một tố chất quan trọng của một người lãnh đạo xuất chúng. Hiểu được những gì nhân viên cần và biết cách kích hoạt tối đa khả năng làm việc của nhân viên, tạo niềm tin tưởng, gắn kết giữa các thành viên trong đội nhóm. Khơi dậy tinh thần làm việc hay say của đội nhóm, của toàn thể nhân viên giúp cho công việc hoàn thành hiệu quả và nhanh chóng. Dũng Kiều xin chia sẻ một số nghệ thuật thúc đẩy năng lượng cho đội nhóm trong bài viết bài, mời bạn đón đọc.
1. Hòa mình vào tập thể động viên các thành viên trong đội nhóm
Thực tế, một nhà lãnh đạo xuất chúng là người có khả năng đưa cộng sự và các thành viên của mình vào hành trình thực hiện các mục tiêu chung, xây dựng một cộng đồng hoặc một hệ thống ngày càng phát triển hơn. Chính vì vậy, bạn cần phải hòa mình vào cùng các thành viên trong đội nhóm, vừa đào tạo vừa động viên các thành viên để không khí trong tập thể luôn tràn đầy năng lượng trong quá trình hoạt động. Không chỉ người lãnh đạo mà tất cả các thành viên trong nhóm cũng có thể động viên nhau qua những công việc nhỏ nhất, hãy dành lời khen cho nhau để cùng tạo những năng lượng tích cực mỗi ngày.
Hãy tập trung vào từng chặng đường nhỏ, khuyến khích, đề cao thành quả mà các thành viên đã thực hiện được trong thời gian gần đây. Mỗi người chúng ta đều có động lực hơn khi được người khác đánh giá cao thành quả của mình.
2. Xây dựng văn hóa đội nhóm, thường xuyên tổ chức sự kiện, liên hoan
Xây dựng văn hóa đội nhóm là điều nên có ở mỗi đội nhóm. Xây dựng văn hóa đội nhóm không chỉ giúp các thành viên trong đội nhóm có cái nhìn tích cực về những vấn đề mình gặp phải. Ngoài ra, là người lãnh đạo bạn nên thường xuyên tổ chức sự kiện hay những buổi liên hoan nhỏ để các thành viên có thời gian tiếp xúc và trao đổi với nhau.
Đây là việc không hề khó khăn, bạn có thể tổ chức gặp mặt thường xuyên một tuần một lần để những thành viên chia sẻ những vấn đề trong công việc hoặc trong đời sống hiện tại. Tổ chức những buổi tổng kết tháng | quý | năm để vinh danh những thành viên tích cực, tạo tiền đề cho sự phấn đấu của mọi thành viên trong đội nhóm.
Tưởng chừng như dễ nhưng đôi khi những người lãnh đạo lại vô tình lãng quên những vấn đề này. Mỗi thành viên sau khi được sẻ chia sẽ tiêu tan đi những năng lượng tiêu cực, và sự cảm thông, lắng nghe và an ủi của các thành viên khác chính là nguồn năng lượng tích cực to lớn nhất.
3. Đạt được vị trí xứng đáng khi có thành tựu
Hầu hết nhân viên đều muốn được sếp tin tưởng vào khả năng làm việc của họ. Nhà lãnh đạo là người dẫn dắt nhân viên thực hiện công việc theo kế hoạch đã đề ra, nhưng không nên đề cao bản thân quá mức, cho rằng thiếu bạn thì công việc không thể hoàn thành tốt. Một dự án, công việc muốn thành công thì cần đến sự cố gắng và chung sức đồng lòng của cả tập thể. Vì vậy, việc ủy quyền cho nhân viên có năng lực vừa là cách lãnh đạo thể hiện niềm tin với nhân viên, vừa là cách giảm tải trọng trách trên đôi vai của mình.
Đặc biệt, bạn nên đề cử những vị trí xứng đáng cho các thành viên trong đội nhóm khi họ đạt được những thành tựu vượt bậc. Khi mang trong mình những vị trí họ sẽ bắt đầu nhận thức được những trách nhiệm mình cần phải có để xây dựng và phát triển đội nhóm vững chắc. Việc giao cho các thành viên vị trí xứng đáng vừa giúp bạn dễ dàng hơn trong việc quản lý vừa giúp các thành viên ngày càng cố gắng hoàn thiện bản thân.
4. Tổ chức các cuộc thi thúc đẩy phát triển bản thân
Thay vì liên tục nói với mọi người những gì cần làm, hãy kích thích não bộ của họ bằng cách hỏi họ một câu hỏi hiệu quả truyền cảm hứng để họ giải quyết (hoặc xem) vấn đề theo một cách mới. Hầu hết mọi người đều thích tham gia giải quyết các thách thức trong lĩnh vực chuyên môn của họ.
Đặc biệt. bạn nên thường xuyên tổ chức các cuộc thi với mục đích phát triển bản thân để giúp các thành viên tự khám phá ra những cái “mới” của mình; tạo tiền đề cho sự thay đổi và có nhận thức đúng đắn về khả năng của mình.
Ngoài ra, đối với những nhân viên yếu kém hoặc đang có những suy nghĩ lệch lạc so với mục tiêu ban đầu đã thống nhất thì việc tổ chức các cuộc thi còn làm cho tìm được chính mục tiêu trước kia của mình. Họ sẽ suy nghĩ đến lý do mình đã bắt đầu, tạo động lực để họ vượt qua khó khăn.
5. Tập trung đào tạo tư duy nhiều hơn đào tạo kiến thức
Đây là một yếu tố quan trọng nhưng không phải nhà lãnh đạo nào cũng nhận ra. Tại sao phải tập trung đào tạo tư duy nhiều hơn đào tạo kiến thức, hãy cùng Dũng Kiều điểm qua những lý do sau đây:
Đào tạo tư duy là trau dồi và phát triển những suy nghĩ của thành viên, cùng một hệ tư duy các thành viên sẽ tự động gắn kết được với nhau.
Tư duy là thứ tồn tại mãi mãi. Bạn nghĩ rằng kinh doanh thành hay bại là hoàn toàn dựa vào sản phẩm. Điều này không hề đúng, với một hệ tư duy phát triển và rạch rồi dù bất kể sản phẩm nào bạn cũng có thể kinh doanh với mức doanh số vượt trôi.
Giải quyết mọi vấn đề bằng tư duy: Nếu như không được mở mang đầu óc bằng tư duy, thì những kiến thức bạn học được chỉ là những bài học chưa được thực hành hoặc là những bài học không áp dụng được thực tế. Nếu như được đào tạo tư duy, mọi vấn đề bạn gặp phải đều được giải quyết bài bản và triệt để. Ngày nay, tư duy ngày càng được đề cao trong tất cả các lĩnh vực và lứa tuổi; những hệ thống đã và đang tồn tại và phát triển cũng không ngoại lệ.
6. Quan tâm đến các thành viên trong đội nhóm
Đi dạo cùng đồng nghiệp, ra ngoài uống cà phê cùng nhau, hãy hỏi thăm các thành viên của bạn về cuối tuần của họ. Đây là một cách rất dễ dàng để nhắc nhở họ rằng bạn có quan tâm và trân trọng công việc và những đóng góp của họ. Khi bạn quan tâm đến đồng nghiệp như một người bạn, họ sẽ cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn, điều này sẽ giúp họ nâng cao kết quả công việc.
Đặc biệt, bạn cần phải quan tâm đến cả người nhà của họ, để các thành viên cảm nhận được “đội nhóm chính là ngôi nhà thứ hai của mình”. Việc quan tâm đến gia đình của các thành viên giúp họ cảm thấy đội nhóm chính là chỗ dựa vững chắc giúp họ vượt qua khó khăn, giúp họ tìm thấy sự tin tưởng để hoàn thành mọi nhiệm vụ xuất sắc nhất.
7. Tổng kết
Thúc đẩy năng lượng đội nhóm là việc người lãnh đạo cần phải thực hiện thường xuyên và liên tục. Dũng Kiều đã chia sẻ một số bí quyết để tạo động lực cho nhân viên. Để truyền lửa không hề khó, nhà lãnh đạo cần phải nhạy bén, nắm bắt được công việc, sở thích và mong muốn của nhân viên mình. Hiểu được nhân viên, nắm được những yếu tố cốt lõi khiến cho việc ra quyết định đúng đắn và dễ dàng hơn. Nhân viên được giao những công việc phù hợp sẽ yêu thích và làm việc hăng say hết mình. Thường xuyên ghi nhận, tưởng thưởng, giao quyền sẽ giúp nhân viên thấy được sự tin tưởng. Làm việc với tinh thần hăng say giúp công việc hoàn thành dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả. Vì vậy các nhà quản trị nên ghi nhớ và thường xuyên áp dụng những bí quyết trên nhé.