Tuân thủ kỷ luật, lãnh đạo phải làm gương
Ngày đăng: 23/10/2021
Để hình thành và duy trì tính tuân thủ ở một hệ thống, doanh nghiệp hay đội nhóm, lãnh đạo làm gương chính là yếu tố quyết định then chốt. Sẽ không có một nhân viên hoặc thành viên nào tuân thủ quy định của hệ thống khi lãnh đạo của họ lại không thực hiện làm gương.
1. Tại sao lãnh đạo phải làm gương
Theo tôi, kỷ luật là sự rèn luyện đặc biệt về tinh thần và tính cách nhằm tạo ra sự tự chủ, giúp đào tạo con người. Nhờ có kỷ luật, năng lực con người được tập trung để hướng đến một mục tiêu, từ đó giúp ta thành công. Tôi không thích từ “kỷ luật”, tôi dùng từ “tuân thủ” để nói chuyện, trao đổi với anh em đồng nghiệp về vấn đề này.
Tuân thủ là giữ và thực hiện những quy định đã được đặt ra để đảm bảo tính công bằng, sự chuyên nghiệp, tạo tinh thần đội nhóm và nâng cao hình ảnh của hệ thống.
Tuân thủ có thể tạm chia thành ba mức.
Mức 1 là phải thực hiện do bắt buộc;
Mức 2 là thực hiện một cách tự giác;
Mức 3 là tự nguyện thực hiện.
Nhưng để hình thành và duy trì tính tuân thủ ở một hệ thống, lãnh đạo làm gương chính là yếu tố quyết định then chốt. Sẽ không có một cán bộ nào tuân thủ quy định của đội nhóm khi lãnh đạo của họ lại không thực hiện làm gương. Muốn như vậy, lãnh đạo, sau đó là các quản lý cấp trung phải là đầu tàu, ngoài các năng lực quản lý thì phải rèn luyện bản thân, đặt mình vào quy chuẩn và chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của hệ thống. Tố chất lãnh đạo thể hiện qua tính kỷ luật và tuân thủ của chính người đó.
Tuy nhiên, sau những kinh nghiệm mà tôi đã thực chiến và nhận ra rằng: KHÔNG ĐẶT NẶNG VÀO ĐÀO TẠO MÀ HÃY LÀM GƯƠNG. Tại sao lại phải làm gương? Tại sao người lãnh đạo luôn phải là người tiên phong làm gương?
Lấy một ví dụ đơn giản: Khi bạn và đội nhóm thống nhất được một quy định, nhưng bạn không thực hiện thì thành viên nào sẽ nghiêm chỉnh tuân thủ quy định. Chắc chắn là không một ai cả, người lãnh đạo là người phải làm gương, mang đến những bài học để những thành viên khác noi theo.
Đừng quá chú trọng vào việc đào tạo, “Học, học nữa, học mãi” việc học là cả một quá trình nhưng việc đặt ra quy định và tuân thủ quy định đó phải được thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc ngay từ khi mới bắt đầu. Chỉ có như thế, đội nhóm của bạn mới thật sự vững mạnh, bạn mới là một người thủ lĩnh xuất chúng.
2. Thấu hiểu được các thành viên trong đội nhóm
Lãnh đạo phải làm gương - không chỉ làm gương khi thực hiện công việc, quy định đã đặt ra mà còn phải làm gương cho những công việc thường nhật nhất, phải hiểu được các thành viên trong đội nhóm của mình; phải giúp đỡ họ khi gặp khó khăn…
Người lãnh đạo giỏi không phải là người phân biệt được rạch ròi đâu là cấp trên - cấp dưới, không phải là sự cứng ngắc theo quy định mà là sự thấu hiểu; đồng lòng và gắn kết. Lãnh đạo phải là người hiểu được cấp dưới của mình không chỉ về công việc mà còn là những cuộc sống hằng ngày, những khó khăn trong cuộc sống để đưa cho họ những giải pháp và hướng giải quyết thỏa đáng.
Khi nhắc về việc lãnh đạo phải làm gương, tôi không muốn nhắc quá nhiều về việc làm theo những quy định và kỷ luật, thứ tôi muốn nhắc đến nhiều hơn cả là cách đối nhân xử thế, là sự thấu hiểu và sẻ chia.
Để trở thành người lãnh đạo xuất chúng và tạo được lòng tin trong lòng người khác, trước hết bạn hãy trở thành người “bạn” của mỗi thành viên, hãy để cho họ cảm thấy bạn là người họ có thể tin tưởng, chia sẻ và là nơi họ sẽ tìm đến mỗi khi gặp khó khăn.
3. Lời kết
Tuân thủ kỷ luật, lãnh đạo phải làm gương là kim chỉ nam dành cho tất cả những người thủ lĩnh thực thụ. Hãy nhớ rằng, trước khi trở thành người lãnh đạo giỏi, bạn hãy trở thành người bạn đồng hành của tất cả các thành viên, khi đó đội nhóm của bạn mới thực sự vững mạnh và thành công.